Thửa trên thửa dưới như vào hội, xa xa là mấy cỗ máy gặt nhãn hiệu Kubota đang phăng phăng nhả khói, tiếng máy hò reo cùng ánh mắt rạng ngời. Tôi dừng xe, cầm điện thoại lên chụp mấy kiểu làm kỷ niệm. Bức tranh thật đẹp khi quê choàng lên một diện mạo mới, sức sống mới.
Nhớ lại ngày xưa, ấy là vào những năm thập niên 80 trở về trước quê còn nghèo lắm, hầu như nông thôn ở đâu cũng nghèo. Quê tôi lại là một vùng thuần nông, là xã có địa bàn ngập trũng, quanh năm lúa nước 2 vụ, cuộc sống chủ yếu nhờ vào hạt thóc củ khoai, bao thế hệ con người nơi đây lớn lên đã dạn dày mưa nắng, đã thành thạo việc đồng áng cày bừa.
Khi tôi học lên cấp 2 thì xã cải cách tiến lên thời kỳ khoán 10. Ấy là chấm dứt làm công tính điểm hợp tác xã, hết thời kỳ trục lúa đêm trăng giữa sân làng. Ruộng từ đó được khoán lại cho từng hộ dân, phân loại đất theo chỗ tốt chỗ xấu, được tính chia theo nhân khẩu từng nhà. Tuy sau khoán kinh tế vẫn còn nghèo nhưng đỡ cơ cực, tuổi thơ tôi đầy ký ức vui buồn chuyện quê không thể nào phai nhạt…
Năm nào cũng thế, nhớ khi mùa gặt đến, cả nhà tôi bận rộn từ tảng sáng cho đến tận khuya lắc. Mẹ và chị gái dậy từ 5 giờ sáng ra đồng, mẹ luôn miệng giục phải tranh thủ đi cắt lúa sớm khi mặt trời chưa lên để tránh bớt nắng. Nghỉ hè nên chị em phải phụ giúp gia đình.
Bữa cơm sáng chỉ sơ sài chóng vánh, cha rít vội điếu thuốc Lào rồi tay choàng nón mê, xốc xe bò lốp lên lưng trâu, mẹ vớ cục dây lạt đã chuẩn bị từ đêm qua cùng tay liềm, vai quang gánh, tất cả thành thục nhuần nhuyễn như thói quen, chị em tôi lẽo đẽo bước theo trên con đường cỏ còn ướt đẫm sương đêm. Lác đác nghe tiếng cười nói phía bên kia, chỉ đoán tiếng để biết người. Trời vẫn còn chưa sáng hẳn.
Những bông lúa xếp mái vàng hươm, vụ mùa chiêm là vụ chính trong năm nên lúa chín đều, mẩy hạt. Tay mẹ thoăn thoắt liềm gom bông lại thành mớ rồi cắt, những gốc rạ trơ lại giữa mặt bùn xăm xắp nước. Mẹ gối lúa nghiêng thành từng ôm nhỏ thật đều, trên bờ chị em phụ trải dây lạt để cha hót lúa lên buộc lại thành bó to. Thi thoảng nghe tiếng cá rô cá chuối xé bùn sột soạt, cha con lại được thể trổ tài đuổi bắt. Có nhiều hôm được cả xâu cá, ếch, cua.
Mặt trời “ba cán sào” là câu nói truyền miệng quê tôi, là khi cái nắng sớm đã vào độ gay gắt, mồ hôi đã nhễ nhại trên khuôn mặt, trên lưng là cha cũng chất đầy xe lúa. Tiếng kháo nhau về, những câu hài hước làm vơi hết nhọc nhằn, con trâu chậm rãi chở mùa trong nắng vàng hân hoan.
Sân lao xao tiếng gà nhặt thóc, gọng rơm cha tranh thủ phơi trên con ngõ xồm lên thơm phức, chổi tre sột soạt mẹ nhẹ nhàng, mẻ thóc được nắng vun đống giữa sân. Mẹ bảo phải phơi tận 3 nắng to cho đều rồi mới rê gió sạch cất bồ, có như thế thóc mới để được lâu mà không bị mọt ăn, không bị ẩm mốc.
Trưa hè nóng nực, dưới gốc cây, bờ tre lại râm ran nước chè, cha mẹ cùng bà con lối xóm nào dám ngủ. Mùa tháng 5 cũng đỏng đảnh, cũng thử lòng người quê bằng những đụn mây, những cơn mưa rào bất chợt. Rơm rạ, thóc bao phen sũng ướt giữa sân, áo cha áo mẹ trộn mồ hôi với nước mưa bạc phếch, khó nhọc in hằn lên khuôn mặt đen nhẻm mà rạng ngời.
Quê giờ không còn là quê của đói nghèo nữa, dẫu vẫn nhiều vất vả. Tôi đã lớn lên giữa 2 thời khắc đó, mấy chục năm rồi trôi qua nhưng bao hình ảnh đồng quê thân yêu, bao cần mẫn chắt chiu mưa nắng của cha của mẹ, của những con người bình thường cứ như mạch nguồn sâu lắng tình nghĩa trong tôi. Lòng bỗng rộn ràng háo hức về nghe quê kể chuyện mùa.