Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự, phát biểu và trao giải thưởng chính cho 4 nhà khoa học xuất sắc giành Giải thưởng cao quý nhất của Giải thưởng VinFuture năm 2023. Sự kiện có sự tham gia của các nhà khoa học kiệt xuất, là chủ nhân của những giải thưởng khoa học danh giá thế giới như Nobel, Millennium Technology, A.M. Turing, các viện sĩ từ những viện hàn lâm khoa học hàng đầu thế giới…
Chủ điểm của Giải thưởng VinFuture lần thứ ba là “Chung sức Toàn cầu”, đề cao tầm quan trọng của sự hợp tác toàn cầu để làm nên những công nghệ đột phá có tác động trên diện rộng. VinFuture đánh giá các nghiên cứu một cách toàn diện trong mối quan hệ đa chiều. Nhiều nghiên cứu có thể không đi đến đích hoặc ít được ứng dụng khi nằm riêng lẻ, nhưng nếu kết nối lại với nhau thì đột phá có thể xảy ra. Giải thưởng cũng có 1.389 Hồ sơ đề cử từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp 5 châu lục. Dẫn đầu về số lượng đối tác đề cử của Giải thưởng VinFuture lần thứ 3 là các nhà khoa học từ châu Mỹ với 30,3%; tiếp đến là châu Á (28,6%); châu Phi (9,5%) và châu Đại Dương (6,8%). Đặc biệt, tỉ lệ đối tác đề cử đến từ châu Âu đã tăng lên đến 24,8% – gấp 1,5 lần so với năm 2022.
Hệ thống Giải thưởng gồm 4 hạng mục, trong đó Giải thưởng Chính – trị giá 3 triệu USD – là một trong những giải thưởng có giá trị lớn nhất trên thế giới. 3 Giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD dành cho nhà khoa học nữ, nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và nhà khoa học nghiên cứu những lĩnh vực mới. Hội đồng Giải thưởng VinFuture: gồm các nhà khoa học, nhà phát minh uy tín đến từ các tổ chức giáo dục, nghiên cứu và các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Những thành tựu và đóng góp của họ trong các ngành Khoa học - Công nghệ đã góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại và được ghi nhận trên phạm vi toàn cầu.
Giải thưởng chính thuộc về: Giáo sư Martin Andrew Green - nhà khoa học Australia, người tiên phong phát triển công nghệ Bộ phát thụ động và Tiếp điểm phía sau - PERC cho pin mặt trời; Giáo sư Stanley Whittingham - nhà khoa học người Mỹ gốc Anh - người khởi xướng và khám phá ra nguyên lý hoạt động của pin Lithium-ion; Giáo sư Rachid Yazami - nhà khoa học Maroc - người đã khám phá ra sự xen kẽ điện hóa thuận nghịch của các ion Lithium với than chì và nhiệt động lực học của quá trình sạc và xả pin; Giáo sư Akira Yoshino - nhà khoa học Nhật Bản với công trình tiên phong trong việc sử dụng muội than ở cực âm của pin Lithium-ion.
Giải Đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển được trao cho Giáo sư Gurdev Singh Khush (Đại học California, Davis, Hoa Kỳ) và Giáo sư, Tiến sỹ Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, Việt Nam). Giáo sư Gurdev Singh Khush là người đã tiên phong trong việc tạo ra các giống lúa với khả năng kháng nhiều loại sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất cao, như IR8, IR36, IR64... Riêng giống lúa IR64 còn đóng vai trò là giống bố mẹ cho hàng ngàn giống lai trong nhiều thập kỷ cho tới ngày nay, qua đó, đóng góp to lớn đối với an ninh lương thực toàn cầu. Giáo sư, Tiến sỹ Võ Tòng Xuân là một trong những nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp và phát triển lúa gạo tại Việt Nam. Giáo sư Khush và Giáo sư Võ Tòng Xuân là hai người bạn chí cốt đã đồng hành cùng nhau trong hơn 50 năm qua với nỗ lực tìm ra những giống lúa kháng sâu bệnh, năng suất cao.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vui mừng chào đón và gặp gỡ các nhà khoa học đáng kính từ nhiều nơi trên thế giới đã đến Hà Nội - Thủ đô của Việt Nam ngàn năm văn hiến. Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, mỗi công trình được vinh danh ở Lễ trao Giải thưởng Vin Future này sẽ là niềm kỳ vọng lớn lao cho cuộc sống tốt đẹp của hàng trăm triệu và có thể là hàng tỷ con người trên hành tinh.
Theo Chủ tịch nước, thế giới đang thay đổi nhanh chóng, với nhiều nguy cơ, thách thức đe dọa loài người, như biến đổi khí hậu, chiến tranh, xung đột, bệnh tật, đói nghèo, khủng hoảng năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước… Thực tế đó đòi hỏi con người cần hợp tác với tầm nhìn rộng mở, tìm kiếm những giải pháp hữu ích mang tính toàn cầu cho một hành trình phát triển mới, bền vững và nhân văn. Sứ mệnh quan trọng này lại tiếp tục đặt lên vai của những nhà khoa học mang trong mình sức mạnh của tri thức và tình yêu nhân loại, những người nắm giữ chìa khóa để khai mở cách giải quyết những bài toán đang đặt ra trên con đường phát triển của mỗi quốc gia và nhân loại.
Chủ tịch nước cho rằng: “Với những nhà khoa học chân chính - biểu tượng của phẩm giá và trí tuệ loài người, các giải thưởng chưa bao giờ là mục tiêu trong lao động, mà chính khao khát tìm lời giải cho cuộc sống bằng tình yêu thương nhân loại và sự đam mê nghiên cứu với tinh thần phụng sự và cống hiến, mỗi nhà khoa học và công trình của mình đã trở thành một câu chuyện đẹp, xứng đáng được tìm kiếm và vinh danh”. Các nhà khoa học tài năng bằng kết quả nghiên cứu sáng tạo đã mang đến cho thế giới niềm hy vọng lớn lao về tương lai huy hoàng của cuộc sống loài người, mang đến cho giới trẻ động lực lớn lao và mạnh mẽ trong hành trình dấn thân vì hạnh phúc con người.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, người Việt Nam luôn kính trọng người tài, yêu quý trí thức, trân trọng nỗ lực của những doanh nhân có tình yêu Tổ quốc, có tầm nhìn ra thế giới và có trách nhiệm xã hội.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng nhắc đến tầm nhìn, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Việt Nam cần khơi dậy các nguồn lực, vượt qua các thách thức, trong đó có những thách thức toàn cầu và những vấn đề nội tại cần phải giải quyết. Trên con đường đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh, khoa học công nghệ cùng với giáo dục - đào tạo được coi là quốc sách hàng đầu, là mục tiêu, động lực quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững. Khoa học công nghệ được kỳ vọng sẽ tạo ra sự phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội, tăng năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao tiềm lực quốc gia và chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.