Đôi điều suy nghĩ về các giải thưởng công nghệ thông tin ở Việt Nam

Trịnh Nguyễn

08/01/2023 22:18

Theo dõi trên

Có lẽ hiếm có lĩnh vực nào ở Việt Nam lại thu hút sự chú ý của truyền thông và dư luận như các cuộc thi và giải thưởng CNTT. Dẫu sao, đó cũng là điều đáng mừng vì CNTT chính là định hướng cần có sự ưu tiên của đất nước. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận lại cho đúng với thực chất của các giải thưởng đó.

Những tên gọi rất... kêu

Nói đến các cuộc thi và giải thưởng trong lĩnh vực CNTT ở Việt Nam, đầu tiên cần phải nói đến Trí tuệ Việt Nam do tập đoàn FPT và báo Lao Động khởi xướng với sự đồng hành của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Cuộc thi này được tổ chức lần đầu tiên năm 2000 và đó là sức hút, nguồn động viên cho giới trẻ để xây dựng ra các sản phẩm CNTT. Ý nghĩa của Trí tuệ Việt Nam cũng vô cùng to lớn và đương nhiên là có giá trị động viên giới trẻ cho những triển vọng tương lai của chính họ. Tuy nhiên, đến năm 2010 thì Trí tuệ Việt Nam đã dừng không tổ chức một cách không kèn không trống và theo một lãnh đạo cao cấp của FPT thì cái gì đã có sinh thì cũng phải có tử vì đó là quy luật.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2004 lại xuất hiện một cuộc thi tương tự với tên gọi là Nhân tài đất Việt do Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì cùng sự đồng hành của tập đoàn VNPT và đương nhiên là cả VTV. Về cơ bản, các nội dung của Nhân tài đất Việt không khác là bao nhiêu so với Trí tuệ Việt Nam. Đó cũng là điều dễ hiểu vì sau khi nghỉ hưu ở báo Lao Động, một cựu lãnh đạo của cơ quan báo chí này đã trở thành Tổng biên tập cơ quan báo chí của nơi khởi xướng giải thưởng Nhân tài đất Việt.

Tiếp đó, phải kể đến giải thưởng Sao Khuê của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA). Nói về những danh hiệu này, TS Nguyễn Chí Công – một chuyên gia có uy tín trong ngành CNTT cho biết, ông không muốn bàn đến Trí tuệ Việt Nam cũng như Nhân tài đất Việt. Nhưng riêng với danh hiệu Sao Khuê thì cần phải nhớ đến là Nguyễn Trãi bởi phải mấy trăm năm mới có một con người vĩ đại như vậy. Thế mà năm nào VINASA cũng bình xét và trao đến hàng chục danh hiệu Sao Khuê cho các cá nhân và doanh nghiệp (!).

Đương nhiên, cũng phải đề cập đến một số giả thưởng nữa là Nhà lãnh đạo CNTT Việt Nam mà sau này là Nhà lãnh đạo CNTT ASEAN do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) tổ chức và Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam của Hội Truyền thông Số Việt Nam. Các giải thưởng này có phần khiêm tốn hơn so với Trí tuệ Việt Nam và Nhân tài đất Việt vì các nhà tổ chức có lẽ muốn đi vào thực chất hơn là truyền thông, quảng bá.

Cô gái đẹp nhất không cần đi thi hoa hậu

Bàn về các giải thưởng và danh hiệu. Đã có người cho rằng, cô gái đẹp nhất sẽ không cần đi thi hoa hậu. Và nhà khoa học tài năng nhất cũng đâu cần được trao giải thưởng Nobel danh giá. Đương nhiên, chúng ta có thể nói đến Bill Gates – nhà sáng lập đế chế phần mềm Microsoft. Hẳn rằng với con người này thì giải thưởng Nobel cũng chưa bao giờ là thứ mà ông ta mơ đến và nếu có được gợi ý thì ông ta cũng có cách để từ chối từ xa. Rồi tới một ngày nào đó, nếu Bill Gates di chúc lại về một giải thưởng khoa học toàn cầu mang tên mình thì lúc đó, giải thưởng Bill Gates và giải thưởng Nobel sẽ là những đối thủ cạnh tranh của nhau.

Liệu rằng các sản phẩm được trao giải thưởng Trí tuệ Việt Nam, Nhân tài đất Việt, Sao Khuê… đã thực sự xứng đáng hay chưa. Thực tiễn chính là thước đo cho giá trị của chính các sản phẩm ấy.

Trong các sản phẩm đoạt giải thưởng của Trí tuệ Việt Nam 2001 có một sản phẩm là website SEA Games 22. Chẳng nói thì ai cũng biết là các tác giả của nó đã nhìn trước thấy cơ hội để quảng bá cho kỳ Đại hội Thể dục Thể thao Đông Nam Á mà Việt Nam lần đầu tiên đăng cai năm 2003. Tuy nhiên, ngoài tên miền www.seagames22.com.vn thì dường như người ta không thấy được linh hồn của sự kiện thể thao này là hệ thống điện tử xử lý thông tin phục vụ SEA Games 22. Cũng cần phải nhắc lại là vào thời điểm đó, sự không hiểu biết lẫn nhau giữa hai ngành CNTT và TDTT lên tới 90% có lẽ cả với nhóm tác giả này cùng ban giám khảo của Trí tuệ Việt Nam khi đó. Và cũng chẳng biết, các tác giả của website này sau đó có bán lại tên miền nói trên cho FPT hay không mà đến khi đấu thầu các gói thầu của hệ thống điện tử xử lý thông tin của SEA Games 22 thì ban tổ chức đã phải chỉ định thầu làm website cho FPT (!).

Rồi sang năm 2002, hệ điều hành nguồn mở thuần Việt có tên là Vietkey Linux đã giành giải nhất. Sản phẩm này có ưu điểm là giao diện hoàn toàn bằng tiếng Việt và giá thành cũng rất mềm mại so với hệ điều hành Windows và bộ phần mềm Office của Microsoft. Thế nhưng, rất tiếc vì nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan nên Vietkey Linux đã không đi được vào cuộc sống như tham vọng của nhóm tác giả.

Cũng là về thi trường này, cần phải kể đến một sản phẩm vượt trội hơn hẳn là Cadpro Office nhưng những tác giả của nó không hề vác ra dự thi tại một cuộc thi nào cả. Cái độc đáo của Cadpro Office là nó giống như một cái áo được mặc lên giao diện của mọi phần mềm nước ngoài. Nó sẽ đọc các thuật ngữ xuất hiện trên giao diện và tự động dịch sang tiếng Việt với những từ đã có sẵn trong từ điển. Còn với những từ chưa có trong từ điển thì người sử dụng có trách nhiệm bổ sung nốt. Chỉ cần một cái click chuột, toàn bộ giao diện sẽ chuyển sang tiếng Việt và ngược lại. Không ít người đã hỏi tác giả của Cadpro Office xem vì sao một sản phẩm hay từ ý tưởng đến thực tiễn như thế lại không tham gia dự thi Trí tuệ Việt Nam để thừa sức đánh bại Vietkey Linux thì tác giả của nó chỉ cười: “Đó là quyền của chúng tôi!”.

Tất nhiên, muốn có sản phẩm thực sự xứng tầm cho các giải thưởng Trí tuệ Việt Nam hay Nhân tài đất Việt cũng không có gì là quá khó. Đó là làm sao để chính một thành viên nào đó trong ban giám khảo vác sản phẩm của mình ra dự thi như hệ thống chấm điểm thi trắc nghiệm Mr Test trong cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2007 (!).

*

*      *

Nói cho cùng thì mọi tấm huân chương đều có mặt trái của nó. Và sản phẩm dự thi đoạt giải đôi khi cũng bị yếu tố chính trị chi phối. Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định lại mặt tích cực của các cuộc thi, giải thưởng CNTT là động viên lớp trẻ chủ động bước vào sân chơi đầy triển vọng mà xã hội đang rất kỳ vọng về chính họ. Đành rằng, Trí tuệ Việt Nam đã chính thức khai tử nhưng nên chăng, chính các nhà tổ chức của Trí tuệ Việt Nam, Nhân tài đất Việt, Sao Khuê… cần có những tổng kết xem sau 3 – 5 năm, các sản phẩm đoạt giải đã giành được chỗ đứng thực sự như thế nào trong thực tiễn.

 

Bạn đang đọc bài viết "Đôi điều suy nghĩ về các giải thưởng công nghệ thông tin ở Việt Nam" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn