Gặp nhau, đùa vui gọi thế, anh bảo người ta to thế này mà gọi là anh bé à. Nhưng cũng chẳng hiểu sao, với tôi anh bé Độ dường như lại là một trường hợp đặc biệt.
Hồi 1980, tôi vào Sài Gòn lần đầu. Không phải là đi công tác, mà là đưa bố vào để cưới vợ cho ông em thứ hai. Khi vào, tôi đưa bố đến ngay nhà bác Cảnh. Ông bác là người duy nhất trong con cháu cụ Đồ Mùi đang sống ở Sài Gòn. Đã nghe bố kể về bác mãi, đầy nhớ thương, cảm phục. Nay mới gặp. Em tôi, hồi mới vào công tác ở Sài Gòn cũng ở nhà bác, khá lâu. Nhà bác như thành cái trụ sở, chuyên tiếp đón các em các cháu từ Bắc vào, sau cái ba mươi tháng tư ấy.
Nhà bác ngay mặt đường. Từ sáng sớm đường đã đầy xe cộ. Khi xuống tàu, tôi đã ngạc nhiên với cái tầng không khí xam xám xanh xanh trên mặt đường. Tưởng sương đêm hóa ra là khói xe. Người dân đi xe máy nhiều. Toàn là xe Nhật. Bấy giờ xăng hiếm, người ta chạy xe bằng dầu. Bất cứ thứ dầu gì kiếm được. Xăng máy bay thừa đổ ra được coi là một chất đốt quý cho xe cộ. Dầu cháy không hết trong động cơ để lại khói mù mịt. Ai cũng mang một ve xăng nhỏ, để mồi mỗi khi nổ máy. Có người để ve xăng ngay trong túi áo ngực. Vệt xăng loang trên túi áo. Vì nhà bác ngay mặt đường, nên việc bơm vá cũng là một cách kiếm sống. Mỗi sáng, các anh nhà bác đưa ra một đống phụ tùng, từ cái bơm máy lạnh dùng để bơm xe, đến cây kim và chỉ ni lông để vá xe. Xe đạp hỏng tanh nhiều lắm, khâu vá liên tục. Mấy anh, nhất là anh Lương, làm luôn chân luôn tay. Tôi đến nhà, một lúc đã mỏi tay.
Ngày ấy, Sài Gòn chưa đông người lắm. Trong nhà còn cái vườn rộng, có cây dừa cao chót vót, và cái chuồng lợn to. Bác nuôi con lợn nái to tướng. Nhìn một loạt các anh chị con bác mà phát hoảng. Sao nhiều thế. Cùng tầm tuổi chúng tôi có tới bốn anh, lớn nhất là anh Hùng. Sau đến hai chị. Chị Đông bằng tuổi Bình em thứ ba tôi, thấy bác gọi là Gái Lớn. Chị Quý Anh, bằng tuổi Hoàn nhà ông Kỷ, được gọi là Gái Nhỏ. Mặc dù dưới hai chị còn có chị bé Hòa, trước đó từng ra Bắc chơi. Gặp lần nào cũng nì nèo, Tiến tắm cho chị cái. Vào Sài Gòn, vẫn được vui vẻ tắm cho bà chị. Cuối cùng đến hai anh còn nhỏ xíu, Minh và Độ. Lần đầu gặp, thấy anh Minh ôm mặt nhăn nhó vì đau răng. Con anh Độ, hồi đó đâu mới chín mười tuổi.
Tôi còn vào Sài Gòn không ít lần, hễ có dịp lại vào thăm hai bác. Lần ấy, chả hiểu sao bác Cảnh lên lớp cho một hồi về chuyện ông em thứ ba, Hòa Bình. Ông em tôi từng bị thương hồi mới giải phóng nằm ở bệnh viện quân đội mãi. Bình đã được hai bác tìm đến thăm, rồi chị Đông qua lại chăm nom suốt. Hai người cùng tuổi, dễ thân. Đó là cái thời buổi người ta nói đùa, Miền Nam nhận họ, Miền Bắc nhận hàng. Dân Bắc suốt hàng chục năm khốn khổ, đói ăn, thiếu mặc, vào Nam thấy cái gì cũng rẻ, cũng hay. Dân Nam chỉ mong có dính líu đến bộ đội Giải phóng, để dễ sống hơn với láng giềng, nhất là với chính quyền mới. Một chính quyền có không ít cái gọi là các phần tử “cách mạng ba mươi tháng tư,” những kẻ mới nhảy ra làm cách mạng, khi bom đạn kìm kẹp không còn. Song nhà bác không trong hoàn cảnh đó. Dù lúc bấy giờ bác chưa liên hệ được với Trung ương. Nào ai biết được nhiệm vụ và hoàn cảnh của một cán bộ đơn tuyến của Trung ương như bác. Nhưng với con cháu cụ Đồ Mùi, nhà bác vẫn là một địa chỉ thân thương và tin cậy.
Lần ấy bị bác mắng, đang buồn anh Độ kéo tay rủ đi uống bia. Bây giờ gọi là rủ nhau đi xả xì chét. Không nhớ vào hàng bia nào. Song cái không khí ồn ào, và những giọt bia mát lạnh đã khiến tôi dịu lại. Có nhẽ vì thế, tôi đâm thân với anh bé Độ hơn cả. Mấy năm sau có dịp vào công tác lại rủ nhau đi uống bia. Dân Sài Gòn thích uống bia chai. Riêng dân Hà Nội chúng tôi vào lại chỉ ưa bia hơi, hay bia tươi theo cách gọi về sau. Có lần, anh bé bảo có cái quán bia hơi chuyên bán bia Tiệp nổi tiếng. Rồi anh dẫn tôi tới tận nơi. Ngồi uống bia trong cái nóng tháng tư của Sài Gòn. Nghe tiếng xào xạc của thứ lá khô rang. Chỉ lạ, Sài Gòn nóng thế mà ít thấy ra mồ hôi. Không như cái không khí oi nồng của đất Bắc, nơi người Nam ra ai cũng than trời. Thân mình lúc nào cũng cứ như có một lớp màng nhớp nháp.
Trong nhà bác, các anh đầu vừa đến tuổi đã lần lượt bị bắt đi cầm súng Mĩ. Các anh lớn Hùng, Cường, thành sĩ quan ngụy. Anh Lương, hạ sĩ quan, mất một mắt. Bảo, vì uýnh nhau với Vi Xi. Bác than, đau lắm mà không sao đưa con ra Rờ được. Ra Rờ là lên chiến khu, theo cách mạng. Có điều, giữa Sài Gòn, lại luôn bị theo rõi, rình rập, vì từng bị tù đầy. Lại còn hoàn cảnh đặc biệt, biết làm sao liên hệ với ta. Chỉ hai anh con trai nhỏ, Minh với Độ, lúc chiến tranh đang còn bé, ít chịu ảnh hưởng của chế độ Sài Gòn. Có cách nhìn khác hơn so với các anh. Vả lúc lớn lên là khi bác đã được biết đến, và giải quyết chế độ. Nên có cuộc sống dễ dàng hơn chăng.
Sau khi về nghỉ, tôi còn gặp anh tại Hà Nội. Hai anh em nhỏ to bên li cà phê nhỏ giọt. Anh bảo, anh vừa sang học nấu ăn bên Trung Quốc. Thế thôi, còn chuyện khác thì ít nhời. Chả biết vợ con anh giờ ra sao. Chỉ ngớ người, anh đã mập ú từ bao giờ rồi. Mãi gần đây, đọc trên trang mạng, thấy tên anh. Bèn kết bạn. Thế là có dịp vào trang mạng của anh. Thấy những bức hình về bác gái, vừa đi xa. Nhiều bức khác hẳn với những hình ảnh tôi từng biết. Nhẩm tính, anh hơn em út tôi, Hải Bằng, một hai tuổi. Mà sao đã như Phật Di lặc. Lại nhớ hồi được anh rủ đi uống bia, đúng thứ bia hơi tôi thích. Nghĩ mãi, sao hồi ấy ít tuổi thế mà anh đã biết cảm thông, biết cách xả xì chét cho ông em. Đã gần nửa thế kỉ rồi.
Trái tim người lính